Hình ảnh tiểu thương chợ Sặt lên thanh tra Chính phủ kêu cứu

Tháng Mười 1, 2009 lúc 5:35 chiều | Posted in Bài viết | Bình luận về bài viết này

Hết đường kêu cứu ở chính quyền địa phương, buộc chị em tiểu thương phải khăn gói lên đường khiếu nại với thanh tra Chính phủ ở 210 Võ Thị Sáu, Tp. HCM ngày 3/8/2009.


Quyết định 1326/QĐ-UBND về việc di dời của UBND Tp Biên Hòa

Tháng Mười 1, 2009 lúc 12:45 chiều | Posted in Hồ sơ chợ Sặt | Bình luận về bài viết này

Quyết định 1326/QĐ-UBND về việc di dời Chợ Sặt của UBND Tp Biên Hòa: một quyết định trái với lòng dân, ngược với lợi ích của nhân dân.

Quyết định về việc duyệt phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ

Tháng Mười 1, 2009 lúc 12:07 chiều | Posted in Hồ sơ chợ Sặt | Bình luận về bài viết này

Để quý vị có thể hiểu rõ hơn những về vụ việc di dời Chợ Sặt chúng tôi xin đưa lên những văn bản liên quan.

Quyet dinh duyet phuong an di doi 1
Quyet dinh duyet phuong an di doi 2
Quyet dinh duyet phuong an di doi 3
Quyet dinh duyet phuong an di doi 4

Trả lời kiến nghị của các hộ tiểu thương kinh doanh tại Chợ Sặt, phường Tân Biên

Tháng Chín 19, 2009 lúc 9:19 chiều | Posted in Bài viết | 1 bình luận

Xin mời quý vị xem văn bản trả lời của chính quyền Tp. Biên Hòa về các kiến nghị của bà con tiểu thương Chợ Sặt. Nội dung văn bản trả lời cho thấy chính quyền Tp. Biên Hòa vẫn bỏ cố tình bỏ ngoài tai mọi nguyện vọng chính đáng của bà con tiểu thương. Với những luận điệu thiếu thuyết phục và áp đặt chính quyền vẫn rắp tâm đòi xóa sổ và di dời chợ Sặt.  Trong khi đó, bà con tiểu thương Chợ Sặt vẫn nhất quyết “KHÔNG DI DỜI” và “SỐNG CHẾT VỚI CHỢ SẶT”. Tình hình xem ra ngày càng căng thẳng, xin mọi người cầu nguyện cho bà con tiểu thương Chợ Sặt.

 

Trả lời kiến nghị của các hộ tiểu thương kinh doanh tại Chợ Sặt, phường Tân Biên:

Ngày 18/8/2009UBND thành phố Biên Hòa tổ chức tiếp xúc với các hộ tiểu thương kinh doanh Chợ Sặt tại Trung tâm Bồi dương chính trị thành phố Biên Hòa. Sau khi xem xét 18 ý kiến kiến nghị của các hộ tiểu thương được tập trung vào 4 nội dung ( không di dời, nguồn gốc đất, về mở rộng trường Trần quốc Toản, về giá thuê quyền sử dụng sạp), chủ tịch UBND TP Biên Hòa có ý kiến như sau:

1. Về nội dung tiểu thương Chợ Sặt phường Tân Biên đề nghị thành phố xem xét cho tiểu thương được kinh doanh tại chợ cũ và nâng cấp khu chợ này, không đồng ý di dời.

Ngày 20/12/2002 UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định số 4696/QD.UBT v/v phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 phường Tân Biên, theo đó khu vực Chợ Sặt hiện hữu có chức năng là đất giáo dục, mở đường và khu hành chính văn hóa.

Ngày 06/11/2003 Thủ tướng chính phủ ban hành quế định số 227/2003/QD- TTg “Về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2020”, trong đó khu vực chợ mới Tân Biên hiện nay được quy hoạch là trung tâm thương mại dịch vụ của thành phố. Trung tâm này sẽ phục vụ cho khoảng 80 ngàn người thuộc các phường Tân Biên, Tân Hòa, Hố Nai,Long Bình và ở khu công nghiệp Amata.

Theo quyết định số 1353/QD-UBND ngày 24/4/2008 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 phường Tân Biên, Thành phố Biên Hòa (Vị trí Chợ sặt cũ); khuôn viên trường tiểu học Trần Quốc Toản được mở rộng ra phần diện tích chợ Sặt, đất văn phòng Hợp tác xã Tân Biên và một số hộ dân để đảm bảo diện tích theo chuẩn quốc gia , không mở rộng sang đất rạp hát 30/4 do đã chuyển công năng sử dụng thành nhà sách Đồng Nai và trụ sở làm việc của hội người mù; văn phòng hợp tác xã Tân Biên, văn phòng khu phố 3 và văn phòng khu phố 4 được bố trí vào vị trí phía sau của đất chợ sặt hiện hữu.

Căn cứ vào quy hoạch mạng lưới chợ đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 2240/2005/QD.CT.UBND, ngày 20/6/2005 thì Chợ Sặt hiện nay không phù hợp quy hoạch mạng lưới chợ của tỉnh và thành phố.

Chợ Sặt hiện nay đã quá tải, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ cháy chợ là rất cao và  không đảm bảo vệ sinh môi trường. chợ lại nằm sát quốc lộ 1A nên cũng không đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực này, không đủ điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy, không đảm bảo khoảng cách lưu thông giữa các lối đi trong chợ, giữa các quầy sạp với nhau, không có nơi thu gom xử lý nước thải… không bố trí được các công trình phụ trợ thep quy định, và tương lai nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của thành phố, không đủ sức phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong khu vực, không đủ điều kiện nâng cấp sữa chữa  nên chợ này không thể tồn tại và phát triển.

Việc di dời Chợ Sặt sang chợ mới Tân Biên là chủ trương đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết và về phát triển mạng lưới chợ đã được chính phủ và UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.

(còn tiếp)

Trả lời kiến nghị của các hộ tiểu thương kinh doanh tại Chợ Sặt, phường Tân Biên (2)

Tháng Chín 19, 2009 lúc 9:17 chiều | Posted in Bài viết | Bình luận về bài viết này

2. Về nội dung Chợ sặt phản ánh việc thu hồi đất chợ sặt mở  rộng trường tiểu học Trần Quốc Toản là không phù hợp với thực tế, vì diện tích hiện hữu của trường Trần Quôc Toản là đủ điều kiện để trở thành trường chuẩn quốc gia trong hiện tại và tương lai.

Trường tiểu học Trần Quốc Toản có diện đất 6.325m2 với 912 học sinh/14 phòng học/25 lớp. Tổng số có 21 phòng, trong đó có: 14 phòng học, 5 phòng làm việc và 2 phòng không sử dụng do hư hòng. Riêng 3 phòng dùng làm nhà kho, nguyên liệu trước đây khi triển khia thực hiện dự án xây dãy 9 phòng học hiện hữu thay cho khối nhà cấp 4 xuống cấp không đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường đề nghị xin giữ lại để tạm sử dụng làm kho chứa bàn ghế cũ, hư hỏng và các vật dụng khác chờ thanh lý, khi dự án giai đoạn 2 tiếp tục thực hiện thì sẽ phá bỏ các phòng này.

Trường chưa có khu hiệu bộ và các phòng chức năng như phòng hoạt động đoàn đội , phòng giáo dục nghệ thuật, phòng y tế học đường, phòng thiết bị giáo dục, phòng y tế, nhà đa năng, các phòng học bộ môn riêng biệt, thiết bị dạy học, bãi tập…

Như vậy cơ sở vật chất hiện tại của trường tiểu học Trần Quốc Toản chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu trước mắt, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và sự phát triển bền vững.

Khi mở rộng trường tiểu học Trần Quốc Toản, xây dựng trường chuẩn quốc gia tối thiểu phải có 30 phòng học để phục vụ cho học sinh học 2 buổi/ ngày; trong đó chưa kể đến số học sinh tăngn hàng năm. Trường tiểu học Trần Quố Toản quy mô phát triển là 1050 học sinh.

Xác định xây dựng trường chuẩn quốc gia nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh được học tập, sinh hoạt trong môi trường thuận lợi để phát triển khả năng tư duy, chủ động, tích cực và sáng tạo góp phần hình thành nhân cách cho các em. Sau khi mở rộng trường tiểu học Trần Quốc Toản tiếp nhận thêm học sinh trên địa bàn phường Tân Biên và khu vực, nhằm giải quyết một phần nhu cầu học 2 buổi của con em nhân d6an tại địa phương, giảm bớt áp lực cho trường tiểu học Nguyễn Huệ.

Xây dựng trường tiểu học Trần Quốc Toản thành trường chuẩn quốc gia phục vụ tốt hơn việc học tập của con em người dân phường Tân Biên và khu vực. như vậy việc mở rộng trường là phù hợp thực tế hiện nay và sự phát triển quy mô dân số của địa phương trong thời gian tới.

Trả lời kiến nghị của các hộ tiểu thương kinh doanh tại Chợ Sặt, phường Tân Biên (3)

Tháng Chín 19, 2009 lúc 9:15 chiều | Posted in Bài viết | Bình luận về bài viết này

3. về nội dung phản ánh của các hộ tiểu thương  kinh doanh tại chợ sặt, đối với đấtsặt có nguồn gốc do dân khai phá để lại cho con cháu sử dụng làm nơi buôn bán, kinh doanh ổn định từ năm 1978.

Vấn đề này đã được thanh tra thành phố và phòng Tài Nguyên và Môi Trường thành phố kiểm tra, xác minh, trong đó đã làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Văn Lựu,nguyên là chủ tịch UBND phường Tân Biên (nhiệm kỳ 1984 – 1989), ông Trần Văn Lực nguyên   chủ tịch UBND phường Tân Biên  và ông Trần Văn Hùng nguyên là Bí Thư chi bộ phường Tân Biên, thể hiện:

Chợ sặt trước năm 1975 đến năm 1977 được hình thành tại khu vực Trường Mẫu giáo và văn phòng HTX Vận tải đoàn kết hiện nay, sau đó dời chợ xuống vị trí công viên 30/4, tại thời điểm này một số hộ dân họp chợ buôn bán dọc theo quốc lộ 1, thuộc xã Hố Nai 2, huyện Thống Nhất do không đảm an toàn giao thông nên vào năm 1978 UBND xã Hố Nai 2 dự kiến chuyển chợ về khu đất trống ( tọa lạc tại công ty điện và điện tử TCL Việt Nam hiện nay), do các tiểu thương có ý kiến chợ sặt mới có vị trí xa và phải qua đường không thuận lợi trong đi lại và buôn bán; vì vậy UBND xã Hố Nai 2 (ông Nguyễn Tất Miên làm chủ tịch và ông Trần Văn Lực làm chủ nhiệm HTX mua bán) đến khu đất chợ sặt hiện nay  khảo sát sau đó di dời chợ sặt cũ từ vị trí khu đất công viên 30/4 đến địa điểm mới là chợ sặt hiện nay vào năm 1979.

Năm 1979, xã Hố Nai 2 được bàn giao về Biên Hòa , chuyển thành phường Hố Nai 2, chợ hoạt động đến năm 1981-1982 đã bị cháy toàn bộ. đến năm 1984 tách xã Hố Nai 2 thành phường Tân Biên và Tân Hòa. Khu đất chợ sặt thộc phường Tân Biên , trong năm 1984, lúc này ông Nguyễn Văn Lựu làm chủ tịch UBND phường Tân Biên , ông Lựu cho biết UBND phường Tân Biên có chủ trương chỉ đạo xây lại chợ sặt; cụ thể đã xây dựng 4 nhà lồng và tường bao xung quanh chợ, về nguồn kinh  phí do các tiểu thương đóng góp, việc xây dựng chợ lúc này UBND phường có báo UBND thành phố và được UBND thành phố duyệt cho mua vật tư (gồm Sắt, gạch…) qua làm việc với các ông Lựu, ông Hùng, ông Lực chỉ cho biết nguồn gốc đất và quá trình hình thành, di dời chợ sặt, còn giấy tờ pháp lý thì không có. Riêng ý kiến xác nhận của ông Lựu trong đơn của các hộ tiểu thương ông lựu cho biết chỉ để nhà nước tính toán bồi thường phần đóng góp xây dựng 04 căn nhà lòng chợ và tường bao.

Về cơ sở pháp lý: chợ sặt thuộc thử đất số 9, tờ bản đồ số 38 phường Tân Biên có diện tích 3.732,7 m2 (trong đó có 544,5m2 lộ giới theo quyết định số 3273/QDCT.UBT ngày 21/4/2004 của chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai). Năm 2000, Trung tâm Kỹ thuật địa chính Đồng Nai phối hợp với UBND phường Tân Biên triển khai thực hiện đăng ký đất đai trên địa bàn phường theo nghị định 60/CP ngày 05/7/1994 của chính phủ thì UBND phường Tân Biên kê khai đăng ký thửa đất số 9, diện tích 3.732,7m2 thuộc tờ bản đồ số 38 phường Tân Biên. Đồng thời đất nghĩa trang giáo xứ Kẻ Sặt được đăng ký thuộc thửa đất số 23 tờ bản đồ số 37 có diện tích 38.747,4m2, khu đất nghĩa trang không liên quan đến khu đất chợ sặt. Mặt khác từ trước tới nay chưa có tổ chức, cá nhân đăng ký, khiếu nại, tranh chấp quyền sử dụng thửa đất chợ sặt.

Căn cứ khoản 1- Điều 5 luật đất đai năm 2003 quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân so nhà nước đại diện chủ sở hữu”; điểm a, khoản 2 – Điều 5 luật đất đai năm 2000 quy định: “Nhà nước thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai như sau: quyết định mục đích sử dụng đất thông qua việc quyết định , xét duyệt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất ( sau đây gọi chung là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất)” và khoản 1 – Điều 6 Luật Đất đai năm 2003 “ nhà nước thống nhất quản lý về đất đai”.

Như vậy, từ năm 1975 đến năm 1999 khu đất Chợ Sặt do nhà nước quản lý (UBND xã Hố Nai 2, UBND phường Tân Biên); từ năm 2000 đến nay thuộc quản lý của UBND thành phố. Do đó, việc các hộ tiểu thương kinh doanh tại Chợ Sặt, phường Tân Biên cho rằng đất Chợ Sặt có nguồn gốc do dân khai phá để lại cho con cháu sử dụng làm nơi buôn bán, kinh doanh ổn định từ năm 1987 là không có căn cứ.

Trả lời kiến nghị của các hộ tiểu thương kinh doanh tại Chợ Sặt, phường Tân Biên (4)

Tháng Chín 19, 2009 lúc 9:12 chiều | Posted in Bài viết | Bình luận về bài viết này

4. Về nội dung tiểu thương kinh doanh tại chợ sặt phản ánh giá thuê sạp quá cao.

UBND thành phố đã công bố chính sách hỗ trợ di dời (trong đó hỗ trợ tài sản trên đất, hỗ trợ di dời hàng hóa, về thuê quyền sử dụg sạp); trong đó các hộ kinh doanh sẽ được thuê lại quyền sử dụng sạp theo giá giảm 10% so với giá do công ty Tín Nghĩa  thông báo trước đây tại quyết định số 362/QD-CT ngày 17/7/2007 ( UBND thành phố cho các hộ thuê theo phương thức trả trước 10%, 30%, 40% tùy loại sạp, còn lại trả hàng ngày và không tính lãi suất trong thời gian 20 năm), giãn tiền thuê sử dụng sạp trong 3 tháng đầu, kể từ ngày di dời chợ, cho thuê sạp theo nhu cầu về diện tích của các hộ (diện tích nhỏ hơn).

UBND thành phố rất mong được sự đồng thuận của các tiểu thương, ủng hộ chủ trương di dời, những khó khăn kiến nghọ cụ thể  của tiểu thương thành phố sẽ trực tiếp bàn cùng tiểu thương để giải quyết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc kinh doanh sau khi di dời./.

Nơi nhận:

-Như trên;

-CT, các PCT/UBND TP;

-Chánh, phó văn phòng;

-Các TV BCĐ di dời Chợ Sặt;

-UBND phường Tân Biên, Hố Nai, Tân Hòa;

-Lưu: VT, TH(PPLT).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

Nguyễn Phú Cường

Đã ký

sống với chợ chết với chợ thề quyết không di dời

Tháng Chín 18, 2009 lúc 9:34 chiều | Posted in Bài viết | Bình luận về bài viết này

chợ sặt là chợ của ta
công khó ông cha làm ra
chúng ta hãy gìn giữ lấy
muôn năm giữ lấy chợ sặt
đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết
thành công thành công đại thành công

Tin về vụ chợ Sặt, Biên Hòa – Đồng Nai: Cảnh sát được huy động vào cuộc?

Tháng Chín 17, 2009 lúc 11:45 chiều | Posted in Bài viết | 15 bình luận

Tin về  vụ chợ Sặt, Biên Hòa  –  Đồng Nai: Cảnh sát được huy động vào cuộc?

 Hơn tuần nay, các tiểu thương chợ Sặt, Biên Hòa – Đồng Nai lại hết sức bức xúc, bất bình trước những động thái bất thường của chính quyền gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương trong chợ. Hàng chục cảnh sát với xe chuyên dụng được huy động đến cửa chợ từ sáng sớm. Người dân đi xe gắn máy ghé qua chợ đều có thể bị giữ xe với đủ thứ lý do.

Nhiều tiểu thương trong chợ đã không ngần ngại phản đối hành động không bình thường của cảnh sát giáo thông. Theo họ, hành động của chính quyền đưa cảnh sát và xe chuyên dụng đến án ngữ trước cửa chợ là hành động có tính cách hăm dọa, gây khó dễ cho người dân đi chợ và cố tình cản trở việc buôn bán thường nhật trong chợ. Một tiểu thương trong chợ cho biết, bất cứ xe gắn máy nào rẽ qua đường để đi vào chợ thì đều có thể bị công an bắt giữ và kiểm tra giấy tờ. Một tiểu thương khác đã không ngần ngại nói thắng vào vấn đề: “Họ (ám chỉ chính quyền) không ăn được thì tìm cách đạp đổ đấy mà”. Ngay cả lối rẽ qua đường vào chợ bây giờ cũng đã bị bịt kín bằng giải phân cách bê tông. Thay vào đó, lối rẽ đã được chuyển lên trước “chợ mới Tân Biên”, dù chợ này chưa đi vào hoạt động.

Tưởng cũng cần nhắc lại rằng vụ việc chợ Sặt, Biên Hòa xảy ra đã mấy năm nay gây nhiều bức xúc cho các tiểu thương và người dân nơi đây. Chính quyền đã bắt tay với công ty Tín Nghĩa xây dựng khu chợ mới mang tên “Chợ Tân Biên” mà không hề tôn trọng ý kiến của các tiểu thương. Với việc cấu kết này, những người có vai vế trong bộ máy chính quyền tìm cách hưởng lợi cùng với Tín Nghĩa từ việc ép buộc các tiểu thương di dời qua khu chợ mới với giá thuê cắt cổ. Chính quyền địa phương không hề tiếp thu ý kiến và nguyện vọng chính đáng của các tiểu thương; do đó, đã đôi ba lần các tiểu thương chợ Sặt kéo lên Sài Gòn, tới trụ sở thanh tra chính phủ ở 210 Võ Thị Sáu để tố cáo cách làm ăn mờ ám của chính quyền Biên Hòa – Đồng Nai.

Cách đây một tháng, tức ngày 18/8/2009, tại Tân Biên –  Biên Hòa, gần 400 tiểu thương đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo địa phương và đại diện của thanh tra chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề chưa được giải quyết dứt khoát. Trong buổi làm việc, sau khi nghe các ý kiến phản ánh của tiểu thương và giải thích của chính quyền địa phương, ông Võ Văn Đồng, Cục trưởng Cục 3 Thanh tra chính phủ xác nhận ý kiến của tiểu thương là chính đáng, do đó chính quyền Đồng Nai cần giải quyết vụ việc vì lợi ích của bà con tiểu thương.

Dù có  những ý kiến xác đáng như vậy, nhưng xem ra những người làm việc trong bộ máy chính quyền Biên Hòa – Đồng Nai vẫn đang tiếp tục cố tính theo đuổi ý đồ giải tỏa chợ Sặt để hưởng lợi.

PV. Chợ  Sặt 

  091709chosat(2) 

Dãi phân cách được dời lên trước chợ mới Tân Biên, dù chợ này chưa hoạt động

091709chosat(1)

Mỗi ngày từ sáng đến chiều, khá đông công an (áo xanh và áo vàng) đến trước cổng chợ  Sặt để “làm việc”

Chúng tôi nhất quyết là không di dời có chết cũng không di dời

Tháng Chín 17, 2009 lúc 10:36 chiều | Posted in Bài viết | 1 bình luận

Chúng tôi nhất quyết là không di dời có chết cũng không di dời

HỐ NAI – Tôi là người dân làng Sặt. Khu đất này thuộc GX Kẻ Sặt chúng tôi. Chợ Sặt vốn có đầu tiên trước giải phóng là nằm gần nhà thờ Sặt. Sau năm 1975, nhà nước bắt dân lang Sặt chúng tôi di dời đến địa điểm mới nay là Công Viên 30/4 cách đó chừng 50m. Sau khi di dời vài năm, nhà nước lại tiếp tục bắt chúng tôi di dời đến địa điểm mới nay là vị trí chợ Sặt (thuộc đất sở hữu giáo xứ Kẻ Sặt).

Qua mấy lần di dời, nhà nước không hề đóng góp và giúp đỡ cho tiểu thương chúng tôi về vật chất cũng như tinh thần. Chúng tôi từ hai bàn tay trắng dựng nên chợ Sặt như ngày nay. Hàng năm nàh nước thu thuế chúng tôi là khoảng 14tỷ, vậy mà không hiểu sao nhà nước lại không công nhận đây là chợ (không công nhận nhưng vẫn thu thuế?). Chúng tôi rất bất bình trước việc nhà nước Việt Nam thu hồi đất chợ Sặt chúng tôi. Chúng tôi chỉ là những tiểu thương nghèo, mà giờ đây nhà nước bắt di dời sang chợ mới mà bắt chúng tôi phái thuê các sạp với giá là 250 -> 270 triệu trong vòng từ 10-15 năm.

Chúng tôi đã gửi đơn đi khắp nơi mà vẫn bị bỏ ngỏ. Vừa qua chính quyền thành phố Biên Hòa tổ chức các cuộc họp cho chúng tôi mà vẫn chưa đâu vào đâu. Chúng tôi rất bức xúc, cả Biên Hòa hiện nay đang rộ lên vì chợ Sặt này.

Chợ Sặt là đất của cha ông chúng tôi từ khi di cư năm 1954 vào đây khai hoang lập nên. Trước là ở công viên 30/4, sau năm 1975 nhà nước bắt di dời 2,3 lần sau cùng mới đến địa điểm như hiện nay. Chúng tôi từ 2 bàn tay trắng lập nên chợ mà không phải nhờ đến nhà nước giúp. Hàng năm chúng tôi đóng thuế cho nhà nước là trên 14tỷ (có lẽ đây là chợ mà thuế cao nhất mà tôi từng biết), và còn nhiều khoảng thu chi khác nữa. Vậy mà đất của chúng tôi, nhà nước đuổi chúng tôi mà lại không bồi thường lại còn bắt chúng tôi đi thuê đất khác để buôn bán, thật là vô lý hết sức. “Chúng tôi nhất quyết là không di dời, có chết cũng không di dời.”

Ban đầu nhà nước ra quyết định là thu hồi đất chợ Sặt cũ để làm UBND phườngTân Biên. Sau đó chúng tôi phản ánh bức xúc tại sao không lấy đất nhà sách SAHARA nằm bên cạnh (trước cũng là đất của giáo xứ Kẻ Sặt chúng tôi), hay lấy đất bến xe Hố Nai (trước cũng là đất nghĩa trang giáo xứ Kẻ Sặt nhà nước mượn rồi đến nay chưa trả) mà làm UBND phường. Rồi sau đó chính quyền chuyển hướng là lấy đất để làm văn phòng khu phố 3 và 4. Rồi cũng bị chúng tôi phản ánh nên chính quyền lại ra quyết định tiếp theo là mở rộng trường tiểu học Trần Quốc Toản (ngôi trường này trước cũng thuộc giáo xứ Kẻ Sặt chúng tôi, cha chánh xứ Thu thành lập trước năm 1975). Chúng tôi lại phản ánh đưa đơn khiếu nại thì chính quyền lại “chuyển hướng” là xây công viên xanh để phục vụ lợi ích nhân dân. Nhưng đã bị chúng tôi phản ánh là đã có công viên 30/4 cách đó khoảng 50m rồi, giờ xây nữa làm chi? Đến mấy tháng nay chính quyền lại ra quyết định là mở rộng trường tiều học Trần Quốc Toản. Sự việc kéo dài từ năm 2006 đến nay vẫn chưa giải quyết được gì, đơn khiếu kiện chúng tôi trải dài từ Sài Gòn đến Hà Nội mà cũng không ai giải quyết.

Nếu chính quyền cho rằng chợ Sặt đã xuống cấp không đủ về an toàn phòng cháy chữa cháy thì chúng tôi xin nâng cấp theo đúng tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy. Sự việc không đơn giản là như vậy, mà chúng tôi biết rằng đằng sau đó là vô vàn những bí ẩn.

Còn rất nhiều việc mà tôi không thể nói hết trên đây được. Kính móng quí vị bớt chút thời gian đến tận nơi để có thể biết được nhiều việc hơn nữa. Chúng tôi kính mong quí vị đến để có thể giúp chúng tôi giải quyết được vụ việc.

Địa chỉ chợ Sặt: Chợ Sặt Phường Tân Biên – thành phố Biên Hòa – Tỉnh Đồng Nai (nằm trên Quốc lộ 1 hướng từ Bắc vào Nam).

Dân oan Hố Nai

« Trang trướcTrang sau »

Blog tại WordPress.com.
Entriesbình luận feeds.